Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...
Liên kết với FB Nam Ròm để xem Hình Xưa Mời các bạn xem thêm Hình Xưa mà Ròm post mới trên mạng Net FB trước khi post vào Blog này .

3 thg 3, 2013

Hình xưa : Hồ Con Rùa Sài Gòn .

Hồ Con Rùa.

Giới trẻ thời bây giờ (người sinh và trưởng thành sau ngày 30-4-1975) ở Sài Gòn chỉ biết Hồ Con Rùa là 1 bùng binh (vòng xoay giao thông) có đài phun nước, nối 3 con đường Võ Văn Tần, Trần Cao Vân và Phạm Ngọc Thạch (thuộc quận 1) và là một trong các khu vực náo nhiệt (vì các hoạt động ẩm thực với các tiệm cà phê, hàng quán chung quanh. Hồ Con Rùa trong quá khứ từng có tên là Đài Phun Nước, Công Trường Ba Hình, Công Trường Chiến Sĩ Trận Vong, Công Trường Quốc Tế, Công Trường Duy Tân... và nếu muốn kể đầy đủ thì PTV quay trở về thời khởi điểm của các vị trí Hồ Con Rùa bây giờ từ thời xa xưa (1790) nguyên là vị trí cổng thành tên là Khảm Khuyết (của Quy Thành (Bát Quái Thành). Sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (dưỡng tử của quan Tổng trấn Gia Định Thành-Lê Văn Duyệt) thì vua Minh Mạng cho phá bỏ Quy Thành này (1837) và xây một thành mới thay thế nhưng quy mô nhỏ hơn (gọi là Phụng Thành). Do đó cổng thành Khảm Khuyết lại ở ngoài cái Phụng Thành (mới) này và tự nhiên trở thành con đường chạy thằng xuống sông (Bạch Đằng bây giờ). Phụng Thành cũng không bền vì sau khi người Pháp chiếm được thì họ lại phá hủy tan tành (ngày 8 tháng 3 năm 1859). Người Pháp (sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ) thì bắt đầu quy hoạch để xây khu đô thị mới (tiền thân của Sài Gòn) bằng cách dựa trên các trục lộ của (Quy Thành cùng các vị trí cũ) và một tháp nước được xây ngay (năm 1878) tại vị trí Hồ Con Rùa dùng để cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng. Cái tháp nước này cũng nhỏ, do vậy khi lượng dân cư tăng lên thì người Pháp dựng các tháp nước khác thay thế (do tháp nước cũ không cung ứng đủ và bị phá bỏ vào năm 1921). Vị trí phá bỏ này, người Pháp đã cho xây dựng một tượng đài ba binh sĩ Pháp bằng đồng với hồ nước nhỏ, để đánh dấu cuộc xâm chiếm và biểu tượng của việc người Pháp làm chủ Đông Dương và vì vậy, dân trong vùng thường gọi nó là Công Trường Ba Hình.
Tháp nước, cảnh quan chung quanh còn hoang vu.

Tượng đài (Ba Hình) này, người Pháp xây để tưởng nhớ đến các binh sĩ Pháp (bỏ mình trong trận Đệ Nhất Thế Chiến tận bên trời Âu) và hằng năm cứ đến ngày 14 tháng 7 (Quốc Khánh Pháp) thì quan chức Pháp (chính quyền thuộc địa) kéo về đây để làm lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Tượng các người lính chiến ở đài (Ba Hình ) này không có tên (vô danh), hình dáng mặc quần áo trận, mũ sắt, tay cầm khẩu súng Mút (dưới chân tượng là bệ đá hoa cương có khắc hàng chữ Le Soldat Inconnu và nơi này (tượng đài Ba Hình) còn có tên gọi là Công Trường Chiến Sĩ. Gọi tên là Ba Hình vì có 1 tượng trên đỉnh và 2 tượng ở dưới chân.


Tượng đài Chiến Sĩ Trận Vong của thực dân Pháp xây (Ba Hình).

Chính quyền thực dân Pháp làm lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại đây trong ngày 14 tháng 7.

Khi cầm quyền (tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia của miền Nam VNCH), Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cho phá hủy tượng đài Ba Hình này (quãng tháng 6 năm 1965) và thay thế bằng hồ nước (hình ảnh hiện như bây giờ). Có tin là ông (tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) tin vào lời của một thầy địa lý xây Hồ Con Rùa để làm một trấn yểm. Trên mặt hồ là từng dãy lối đi được xây cách điệu hình hoa sen đang nở. Giữa hồ là 5 trụ bê tông sừng sững vươn lên cao, tượng trưng cho năm cánh tay của cộng đồng quốc tế công nhận miền Nam VNCH. Dưới chân trụ này là một đài tưởng niệm hình bầu dục, trên có một đỉnh đồng (đồng đỏ) chỉ được đốt hương trầm vào ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong của miền Nam VNCH.


Công trường Chiến Sĩ (Ba Hình) sau khi phá bỏ các tượng. Cảnh quan chung quanh đã khá sầm uất.



Tượng Rùa đội bia ở công trường Quốc Tế Viện Trợ.
Hình tượng chính của việc trấn yểm là một hình tròn đường kính khoảng gần 2m xây đối diện 5 trụ bê tông nói trên. Trên hình tròn này là một tấm bia khoảng 5m, cẩn đá cẩm thạch trắng. Đỉnh bia có một phù điêu bằng đồng thau khắc nổi hình một bầu rượu (không hiểu nghĩa gì), dưới phù điêu ấy là tên các quốc gia (hình như là 44 quốc gia trong khối tự do và trung lập) đã công nhận miền Nam VNCH và có viện trợ kinh tế cũng như tinh thần (cho miền Nam VNCH khi đó), được khắc chìm vào mặt đá và mạ vàng. Ngay dưới chân bia là một con Rùa (Quy) tạo hình bằng những phiến đồng đỏ kích thước khoảng 40x40 cm/tấm, được ghép lại với nhau theo lối tán rivet (cũng bằng đồng). Nhìn sơ qua, hình dáng con Rùa đội tấm bia này cũng giống như các con rùa đá đôi bia tên các ông Nghè ở Văn Miếu ngoài Hà Nội.
Cái gì hiện hữu đều có lý do hiện hữu. Vụ nổ mìn làm tan hình Con Rùa (cùng tấm bia trên lưng) ở Hồ Con Rùa cũng có lý do của nó. Chúng ta phải quay trở lại thời điểm bắt đầu sau ngày 30-4-1975. Khi đó, cùng với đoàn quân mới (Việt Cộng) chiếm đóng thì một tâm trạng bất an của dân đọc sách và các nhà sách mà tự dưng sách vở bày bán tràn lan lề đường. Rẻ, nhiều, mua bán chớp nhoáng không cò kè như trước. Có chỗ còn rao kiểu bán đổ đồng, đồng giá... nhanh tay thì còn-chậm tay thì hết. Cũng có những người còn nặng lòng với văn hóa miền Nam VNCH (khi đó) nên khi thấy sách báo, tạp chí bày bán quá nhiều và rẻ (đặc biệt có cả những bộ Văn, Bách Khoa... đóng bộ-bìa da hẳn hoi) thì họ vội mua về đem cất. Khách mua chợt tăng lên vì đã có những người thuộc chế độ mới tìm mua (trong số này có cả Dương Thu Hương nữa khi nữ văn sĩ này vừa vào được Sài Gòn) để đọc (những cái, những điều lạ trong các sách lạ mà họ lần đầu tiên được thấy). Các hiệu cho mướn sách cũ vẫn lén lút cho thuê sách (để họ tiếp tục sống) và bây giờ thì họ lại có thêm một số khách hàng mới là các bộ đội đóng quân đâu đó (trong các doanh trại lính chế độ cũ) trong vùng. Những truyện từ Chưởng, Kiếm Hiệp, Trinh Thám, Truyện Dịch, Chính Trị, Tình Dục... của miền Nam VNCH được họ đọc rồi mê mẩn và tìm đọc tiếp rồi ra chợ trời tìm mua nguyên cả quyển để mang về quê cất (khi họ phục viên về quê, rời khỏi quân ngũ). Cùng lúc đó thì từ miền Bắc CS lại cho chở cả hàng đống (trên từng các chuyến xe tải) sách báo xuất bản ở ngoài đó (thu thập từ trong nhà dân chúng trong các phong trào quyên góp gửi sách cho đồng bào miền Nam ruột thịt) nói là để cho dân vùng bị địch (chế độ miền Nam VNCH) tạm chiếm trước đây có món ăn tinh thần để biết về văn hóa miền Bắc và Xã Hội Chủ Nghĩa.

Nhưng sách báo của miền Bắc chở vào các đô thị cũ của miền Nam VNCH thì lại không được đồng bào (nhất là ở Sài Gòn) đón nhận như ý các cán bộ văn hóa đã nghĩ. Kể cá các sách báo mới vừa được in ra (tái bản vội vã từ các bản gốc ở ngoài Bắc mang vào), phát hành từ các nhà in do họ vừa mới tiếp thu được. Người ta vẫn cứ tìm đọc các sách báo cũ và vì vậy đã có các vụ tịch thu sách báo miền Nam VNCH (được cán bộ văn hóa gom chung một giỏ là đồi trụy) để đem thiêu hủy (đốt, xé hoặc cá biệt do cán bộ văn hóa đem cất riêng, nói là để nghiên cứu). Làm thế, nhưng văn hóa miền Nam VNCH đã truyền về miền Bắc rồi (do các anh bộ đội, người vào trong Nam ngay sau ngày 30-4-1975 mang về). Tiểu thuyết, truyện Chưởng, Kiếm Hiệp, Trinh Thám, truyện dịch, tạp chí... của miền Nam VNCH đã đánh bại sách báo miền Bắc (PTV không kể các tác phẩm xuất bản tại miền Bắc trước thời điểm 1954 như của Tự Lực Văn Đoàn cùng các ấn phẩm, tạp chí khác...) và ở ngoài đó người ta đọc, kể cho nhau nghe rồi cứ vậy mà nó lấn át, đánh bại các sách báo của nền văn học nghệ thuật khô cằn, nói một chiều. Dù chỉ có ít tháng kể sau ngày 30-4-1975, thơ ca của văn hóa miền Nam VNCH làm người dân miền Bắc quên mất cả những chân dung như Tố Hữu, HCM... Văn thì làm người đọc thấy hơn hẳn các khuôn mặt cũ như Chu Văn, Anh Đức, Nguyên Ngọc, Hữu Mai... Và vì vậy cán bộ văn hóa phải vào cuộc. Tháng 9- 1975, chính quyền ra thông cáo cấm phổ biến, lưu hành, tàng trữ toàn bộ tác phẩm của ngót 50 văn, thi sĩ, nhà nghiên cứu... của chế độ cũ (miền Nam VNCH). Thông cáo này được đọc ở trường học, các cơ quan nhà nước (Phường, Khóm, Ấp), trên vô tuyến TH, Radio truyền thanh... Các nhà văn, nhà báo, thi sĩ chế độ cũ (miền Nam VNCVH) tự dưng trở thành tay sai của USA hết (nhân viên CIA). Có thông báo đó, có các vụ bêu riếu các cá nhân văn, thi sĩ miền Nam VNCH thì vô tình càng làm sách báo chế độ cũ có cái gì hấp dẫn đối với dân chế độ mới. Nên, một vụ bắt các văn, thi sĩ miền Nam VNCH cần phải có để dập tắt hoàn toàn nền văn hóa của chế độ này (dù khi đó chế độ đó đã chấm hết).

Buổi tối (quãng 7 hay 8 giờ) ngày 1 tháng 4 năm 1976, phát một tiếng nổ ầm ngay tại con Rùa đồng (hình con rùa này, có người cho là làm bằng đồng đen nhưng người khác bảo là đồng đỏ và mầu đen là do đồng bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí lâu ngày) dưới chân bia kỷ niệm các nước (hình như là 44 nước) đồng minh, viện trợ cho miền Nam VNCH ở công trường Duy Tân (tên mới) trước học viện ĐH Sài Gòn. Tiếng nổ khá lớn và ngay ngày hôm sau thì báo Tin Sáng đã tường thuật đầy đủ chi tiết vụ nổ này (họ gọi là phá hoại) và cho biết thủ phạm đã bị bắt nhưng không đăng hình người đó mà chỉ đăng hình người chết (để gây xúc động trong quần chúng). Ngay ngày hôm đó (sau 12 giờ đồng hồ khi có vụ nổ xẩy ra) một số các nhà văn, thi sĩ, trí thức lần lượt bị bắt (chiến dịch này kéo dài từ ngày 2 tháng 4 đến ngày 8 tháng 4 thì tạm ngưng) để sau đó công an bắt tiếp một số người phát hành sách báo (ngày 28 tháng 4). Khi đó không ai (các người bị bắt) biết được về cái kế hoạch bắt giữ này vì kể từ sau ngày 30-4-1975 thì các văn, thi sĩ, trí thức miền Nam VNCH vẫn linh cảm sẽ có ngày họ bị bắt nên tâm trạng họ gần như là chờ đợi cái ngày xui xẻo đến với mình (trừ nhà văn Mai Thảo thì sống cuộc đời nay đây mai đó, không ở một chỗ nhất định cho đến ngày ông vượt biên thành công). Cho đến tận năm 1982 (6 năm sau vụ nổ Hồ Con Rùa) thì độc giả mới biết đến kế hoạch (lý do) bắt này qua quyển truyện tên là Vụ Án Hồ Con Rùa (do NXB Tuổi Trẻ-Thành phố HCM xuất bản) do tác giả tên là Huỳnh Bá Thành viết ra.

Bìa quyển Vụ Án Hồ Con Rùa của tác giả Huỳnh Bá Thành.

Huỳnh Bá Thành (HBT) dân gốc miền Trung, vẽ hí họa (với bút hiệu là Ớt) cho tờ nhật báo Điện Tín (của Thượng nghị sĩ Quốc Hội VNCH Hồng Sơn Đông) có ai ngờ lại là tay Việt Cộng nằm vùng (cũng giống trường hợp của Vũ Hạnh (tác giả của Người Việt Cao Quý, Cô Gái Xà Niêng, Tiếng Hú Trên Đỉnh Non Chà Hóc...), Thái Bạch (tác giả của Thi Văn Quốc Cấm Thời Pháp Thuộc) và bản thân HBT cũng không lạ các khuôn mặt văn, thi sĩ miền Nam VNCH. Vậy mà y có thể viết một quyển sách về họ theo kiểu như vậy. Việt Cộng vẫn luôn rêu rao là chúng luôn luôn quý trọng con người và tài năng con người. Việt Cộng không bao giờ bắt các nhà văn, thi sĩ vì các tài năng mà họ bị công an bắt là vì đây là bọn gài mìn sát hại lương dân và phá hoại kiến trúc công cộng. Trong quyển Vụ Án Hồ Con Rùa (VAHCR), Huỳnh Bá Thành khẳng định các văn, thi sĩ miền Nam VNCH bị bắt như: Đỗ Gia (Đằng Giao), Chu Nữ (Chu Vị Thủy), vợ chồng Lê Dạ-Thu Dung (Trần Dạ Từ-Nhã Ca), Nguyễn Côn (Nguyễn Mạnh Côn), Vũ Long (Duyên Anh-Vũ Mộng Long), Hoàng Hà Đặng (Đặng Hoàng Hà)... đều là tay sai USA, nhân viên CIA gài nằm lại (không di tản dịp 30-4-1975). Cho các văn, thi sĩ này thảo luận chiến lược với các cố vấn Mỹ (trước 30-4-1975), nhận mìn và làm cái vụ nổ Hồ Con Rùa. Danh sách các văn, thi sĩ, nghệ sĩ... miền Nam VNCH bị bắt trong đợt này rất nhiều. Phạm Thắng Vũ (PTV) xin kể tên ra sau đây: Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Lê Xuyên, Nguyễn Mạnh Côn, Thế Viên, Thái Thủy, Mặc Thu, Vũ Hoàng Chương, Duyên Anh, Đằng Giao (con rể nhà văn Chu Tử), Chu Vị Thủy (con gái nhà văn Chu Tử), Hồng Dương, Thanh Thương Hoàng, Văn Kha, Hồ Nam, Như Phong, Trịnh Viết Thành, Anh Quân, Xuyên Sơn, Cao Sơn, Đặng Hải Sơn, Đặng Hoàng Hà, Lê Văn-Vũ Bắc Tiến, Sao Biển, Hồ Văn Đồng, Lê Hiền, Sơn Điền-Nguyễn Viết Khánh, Tô Ngọc, Uyên Thao,Lý Đại Nguyên, Tô Kiều Phương, Hoàng Vĩnh Lộc, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Minh Đăng Khánh, Nguyễn Hải Chí (họa sĩ Chóe), Nguyễn Hữu Hiệu...

Trở lại câu chuyện Vụ Án Hồ Con Rùa thì trong truyện này (độc giả trong nước nếu chịu khó đi lục tìm ở các hiệu bán sách cũ thì cũng có thể tìm lại được), HBT đã dựng lên một câu chuyện là khi vào ngồi trong Dinh Độc Lập rồi (Dinh này nguyên là dinh Norodom rồi đổi thành tên là dinh Thống Đốc (vì là nơi làm việc của Thống Đốc Nam Kỳ), rồi lại thành dinh Toàn Quyền (cho viên Toàn Quyền Pháp (cai trị cả 3 nước Việt-Miên-Lào)). Khi Nhật lật Pháp (biến cố ngày 9 tháng 3 năm 1945) thì Nhật làm chủ cái dinh này và khi Nhật thất trận, Pháp quay lại Việt Nam và làm chủ trở lại dinh cho đến khi Pháp bàn giao lại cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm (ngày 7 tháng 9 năm 1954) và ông Diệm cải tên là dinh Độc Lập. Sau vụ thả bom của 2 phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử (ngày 27 tháng 2 năm 1962) thì do dinh bị hư hại nặng nên Tổng thống Ngô Đình Diệm đã quyết định xây dinh mới (san bằng dinh cũ) theo đồ án của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (ông này cũng vẽ đồ án của bệnh viện Vì Dân (tên là Thống Nhất hiện thời)) nhưng ông Diệm lại chưa lần nào được đặt chân lên thềm cái dinh mới này (do vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 xẩy ra). Dinh Độc Lập được khánh thành vào ngày 31 tháng 10 năm 1966 và người chủ tọa buổi lễ không ai khác chính là đương kim Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, trung tướng Nguyễn Văn Thiệu (NVT)) thì NVT cho mời một thầy phong thủy Tàu (năm 1967) vào dinh để xem thế đất. Thầy phong thủy cho rằng vị trí của dinh Độc Lập thuộc dạng long mạch mà đầu nằm tại dinh, đuôi nằm tại vị trí của Hồ Con Rùa. Ta thấy những con vật có đuôi (như chó, mèo, cọp, cá sấu, ngựa...) thì chúng thường hay vẫy cái đuôi (để đuổi ruồi, biểu lộ cảm xúc của chúng hay cái gì khác nữa thì PTV không biết) và có lẽ vậy mà trong truyện VAHCR, gã Ba Trung (bí danh của HBT) cho là nếu rồng (1 con vật thần thoại cả bên trời Đông lẫn trời Tây) mà vẫy đuôi thì ngôi vị của thế đất (tức sự nghiệp của tổng thống NVT sẽ không được yên ổn) sẽ đảo. Để tránh các sự việc này (rồng vẫy đuôi) thì tổng thống NVT nên yểm. Yếm bằng cách dựng 1 con rùa để trấn cho thế đất vững bền (tức ngôi vị của Tổng thống NVT sẽ vững như bàn thạch) và kết quả là có hình con rùa đội bia tại khu vực công trường Duy Tân này.

Trong quyển VAHCR, Ba Trung còn cho các văn, thi sĩ miền Nam VNCH mà ai cũng biết thuộc loại người trói gà không chặt thành các gián điệp-tình báo lão luyện, mưu mô, xảo trá. Các văn, thi sĩ này đều là chuyên viên chất nổ được USA huấn luyện kỹ lưỡng, thành thục. Ba Trung gán tội các văn, thi sĩ miền Nam VNCH đều là tay sai của CIA cài lại (không chịu di tản hoặc di tản không kịp trong thời điểm 30-4-1975), do mê tín dị đoan, do ngu muội và tàn ác nên đã cho đặt mìn phá hoại con Rùa (tức đuôi rồng) để mong chính quyền Cách Mạng (Việt Cộng) vì thế sẽ bị sụp đổ. Nhưng cuối cùng bọn chúng (tức các văn, thi sĩ miền Nam VNCH có trong truyện VAHCR) đều bị các lực lượng an ninh của ta (Việt Cộng) phát hiện và tóm gọn.

Thực ra văn, thi sĩ miền Nam VNCH (kể cả các quân nhân, công-viên chức hành chánh...) đã mắc lừa chính quyền mới khi họ ngoan ngoãn khăn gói quả mướp để đến nơi ghi danh xin học tập cải tạo (theo thông báo học 10 ngày, 1 tháng) để mong học sớm sẽ về sớm (trình diện trong tháng 6 năm 1975) mà yên ổn làm lại cuộc đời mới trong 1 đất nước vừa qua khỏi chiến tranh, không còn bóng kẻ thù (chỉ có bọn USA thua chứ người Việt Nam bên nào cũng thắng, luận điệu của cán bộ CS trong thời điểm đó) và kết quả là tự mình xin được đi tù (với mỹ danh là cải tạo). Những văn, thi sĩ đó là: Thanh Tâm Tuyền, Mai Trung Tĩnh, Dương Hùng Cường, Hà Thượng Nhân, Phan Lạc Phúc, Tô Thùy Yên, Văn Quang,Thảo Trường, Duy Lam, Phan Nhật Nam, Huy Vân, Đặng Trần Huân, Diên Nghị, Phan Lạc Giang Đông,Thục Vũ, Minh Kỳ, Thế Uyên, Vũ Thành An, Dương Kiền, Đinh Tiến Luyện, Nhật Bằng... và trong số người này thì đã có người phải bỏ mạng trong trại tù (Minh Kỳ, Thục Vũ, Nguyễn Mạnh Côn) hoặc được tha để về tới nhà thì chết (Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Minh Đăng Khánh, Trần Việt Sơn)... Những văn, thi sĩ không thuộc diện trình diện vì liên quan đến công việc với chế độ cũ (công chức, sĩ quan, trưởng phòng...) như Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Duyên Anh, Đằng Giao, Chu Vị Thủy (được đổi tên khác giông giống trong VAHCR), Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên, Nguyễn Mạnh Côn, Thế Viên, Mặc Thu, Vũ Hoàng Chương... thì cán bộ văn hóa (chính quyền) dùng cái vụ nổ này để danh chính ngôn thuận lùa tất cả họ (văn, thi sĩ miền Nam VNCH còn sót bên ngoài) vào tù.

Cũng có các văn, thi sĩ miền Nam VNCH lại được chính quyền mới (Việt Cộng) để yên (không hề bị bắt) như: Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền, Vũ Bằng, Tam Lang, Trần Lê Nguyễn, Thượng Sĩ, Toan Ánh, Nguyễn Hiến Lê, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác... Tại sao lại có vụ người thì bị chính quyền tìm mọi cách để bắt, người thì họ lại tha (như những người kể trên đây)? Sau này (cả hàng chục năm sau ngày 30-4-1975) thì một số bí ẩn đã được thỏa (có đáp án). Thanh Lãng (tên thật là Đinh Xuân Nguyên), gốc là linh mục đạo Thiên Chúa, từng dạy tại ĐH Văn Khoa (Huế và Sài Gòn) từ năm 1957 đến 1975, tuy từng là Chủ tịch Văn Bút Miền Nam VNCH nhưng có khuynh hướng gần như thiên tả (từng bảo lãnh cho Vũ Hạnh khi nhà văn này bị cảnh sát miền Nam VNCH bắt). Vũ Bằng (tên thật là Vũ Đăng Bằng), từ năm 1948 từng hoạt động trong màng lưới tình báo cách mạng (Việt Minh) và năm 1954 di cư vào Nam (theo lệnh của tố chức dù phải bỏ lại vợ và con trai tại Hà Nội) hoạt động cho đến ngày 30-4-1975 (tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng CS Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo). Nguyễn Hiến Lê tuy từng nói bản thân không làm chính trị chỉ chú tâm vào trước tác nhưng thái độ thiên cộng trong ông thì ai cũng rõ (từng 2 lần từ chối lời mời của chính quyền miền Nam VNCH để làm giám khảo giải văn chương toàn quốc) và có lẽ vậy mà Việt Cộng để ông ta yên. Còn các người khác như: Bình Nguyên Lộc, Toan Ánh, Nguyễn Mộng Giác... Thật không biết lý do.

Ngoài truyện VAHCR đổ cho lý do phá vỡ long mạch (không còn rùa yểm) thì lý do thực của vụ nổ hồ con rùa là gì khi mà các văn, thi sĩ (có tên trong VAHCR, dù đã đổi nhưng vẫn giông giống bút hiệu, tên thật) khi vào trại giam lại bị quản giáo cho biết là chính quyền (Việt Cộng) phải làm một mẻ lưới lớn để tó hết tất cả văn, thi sĩ còn sót bên ngoài xã hội là vì: Chúng tôi sợ các anh, chị (văn, thi sĩ miền Nam VNCVH) phá hoại bầu cử (Quốc Hội của cả nước). Nhà văn Duyên Anh (DA) khi được biết lý do mình bị bắt như vậy (từ miệng gã cán bộ khi tháo còng tay ông) đã tự vấn: Chúng tôi phá bầu hoại bầu cử. Tại sao người ta (Việt Cộng) lại sợ chúng tôi như vậy dù đã phát thẻ cử tri rồi. Phát thẻ cử tri thì có nghĩa họ (Việt Cộng) không tước đoạt quyền công dân của chúng tôi. Chúng tôi được tham gia bầu cử Quốc Hội cả nước mà. Ông DA lại cho biết: Mấy hôm trước, đọc mục xã luận của tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng, biết chắc rằng, chúng tôi rất thiếu vinh dự bỏ phiếu (...những tên tướng, những tên đại tá ác ôn, buông súng là chúng hết ngóc đầu dậy, nhưng bọn nhà văn nô dịch phản động, buông bút xuống, ảnh hưởng của chúng vẫn còn nguy hiểm cho nhiều thế hệ. Những tên nhà văn đã phục vụ guồng máy chiến tranh bẩn thỉu của Mỹ Ngụy không được phép tới gần các thùng phiếu của chúng ta). Người ta (Việt Cộng) không thích chúng tôi tới gần các thùng phiếu. Người ta (Việt Cộng) cứ tưởng chúng tôi thèm bỏ phiếu lắm. Tôi đã từ khước quyền công dân của tôi từ lâu! Tôi chưa bao giờ biết bỏ phiếu. Tôi không khoái trò bầu cử gian lận ở nước tôi. Điều tôi cảm thấy hãnh diện thêm về nhà văn của chúng tôi là, cấm bỏ phiếu, Cộng Sản vẫn chưa yên tâm, phải bắt chúng tôi nhốt kỹ, họ mới tin tưởng bầu cử Quốc Hội cả nước thành công. Tuy bắt các văn, thi sĩ miền Nam VNCH rành rành rồi sau đó tống tất cả vào các nhà giam, trại... (Chí Hòa, số 4 Phan Đăng Lưu, Bù Gia Mập, Xuyên Mộc...) nhưng khi tháo còng số 8 (ở tay các văn, thi sĩ), các cán bộ phụ trách đều nói: Thật tiếc khi thấy anh, chị bị còng như vậy. Em, cháu (công an đi bắt) đã làm bậy. Nhà nước chỉ mời các anh, chị đi nghỉ ngơi ít bữa (qua bầu cử) chứ không hề muốn giam cầm các anh, chị. Hiện tượng, hiện tượng... Luôn luôn là hiện tượng. Hiện tượng không bao giờ là bản chất. Chính sách đúng mà thi hành sai. Anh, chị đừng buồn nhé.

Con rùa (hay Quy) đối với văn hóa Việt là một trong tứ Linh (Lân, Ly, Quy, Phụng) và có mặt trong tín ngưỡng như là linh vật (dù thực tế thì không có rồng, lân, phụng). Rùa gắn liền với truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, nhận lại gươm báu từ tay vua Lê Lợi (trong truyền thuyết về hồ Gươm-Hoàn Kiếm...), rùa đội bia ( tượng đá trong Văn Miếu-Hà Nội), rùa đội hạc (tượng đồng, gỗ, đất... trong các chùa). Chính vậy mà khi tạo dựng công trường Duy Tân mà chính quyền miền Nam VNCH đã làm tượng con rùa trên lưng đội tấm bia ghi tên (theo trật tự ABC) các quốc gia đã viện trợ (hoặc là đồng minh thiết yếu) cho chế độ của mình như là một cử chỉ trân trọng, biết ơn (đến các quốc gia đó). Có lẽ vậy mà công trường Duy Tân này còn có tên là công trường Quốc Tế Viện Trợ. Ngoài hình ảnh là một địa điểm (như công viên, đài...) đẹp, tô vẽ thêm cho cảnh quan Sài Gòn (từng được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông khi đó) thì hình ảnh rùa đội bia (tại Hồ Con Rùa) này cũng ít nhiều gây cho khách nước ngoài biết về nét văn hóa (qua hình ảnh con rùa đội bia) Việt. Gần như là chắc chắn, con rùa đội bia tại Hồ Con Rùa là tượng rùa đội bia lớn nhất (từ trước tới nay) ở trong nước. Biến cố 30-4-1975 đến, chính quyền mới âm thầm để các vụ đập phá công khai các tượng đài trong khu vực nội đô Sài Gòn. Tượng 2 quân nhân Thủy Quân Lục Chiến trước tòa nhà Hạ Nghị Viện (nhà hát thành phố bây giờ) bị kéo đổ. Tượng Biệt Động Quân tại trung tâm giao lộ Ngã 7 cũng bị đập tan tành. Tượng người lính ngồi nghỉ chân (có tên là Thương Tiếc) bên cạnh đường vào nghĩa trang quân đội miền Nam VNCH ở Biên Hòa cũng bị lật đổ cắm đầu và kéo bỏ mất tiêu. Bào chữa cho các vụ đập phá này thì vì đây là các hình ảnh của quân đội phía thua cuộc nên không thể để tồn tại. Cũng được đi nhưng còn tượng của các danh nhân Việt như tượng Petrus Ký (Trương Chánh Ký, Trương Vĩnh Ký), người được xếp vào danh sách toàn cầu thập bát quân tử trong thế kỷ 19 (do tự điển bách khoa LaRousse định hạng) nằm ở khu vực gần nhà thờ Đức Bà (công viên Kennedy) cũng bị kéo xếp bỏ nhà kho và chỉ mới không lâu, tượng này được đem về chưng trong viện Bảo tàng Mỹ Thuật. Tượng thương gia Quách Đàm (người xây cái chợ Bình Tây to đùng, góp phần làm phát đạt vùng Chợ Lớn bây giờ) dựng trong chợ cũng bị kéo bỏ (bây giờ thấy tượng ông cũng chưng trong viện bảo tàng Mỹ Thuật). Còn các tượng danh nhân lịch sử khác như Hưng Đạo Vương (ở bến Bạch Đằng), tượng Trần Nguyên Hãn (giữa bùng binh trước chợ Bến Thành), tượng Phan Đình Phùng (tại giao lộ tròn, trước bưu điện Chợ Lớn)... thì đã bị gỡ bỏ hàng chữ, tấm chữ ghi tên là thánh tổ của 1 quân binh chủng thời miền Nam VNCH. Làm vậy cũng được đi vì giang sơn giờ đã đổi chủ, có làm điều đó thì cũng không lạ và cũng chẳng ai chê trách nhưng lại có tin là (thoang thoảng trên báo trong thời gian gần đây) có các giới chức (lãnh đạo và trong ngành mỹ thuật) chê các tượng đài cũ thời xưa (không nói rõ là miền Nam VNCH) dựng đều cũ (đúng, vì cả mấy chục năm rồi) và không đẹp (có lẽ theo cảm quan) nên nếu có thể thì sẽ thay thế (bằng các tượng đài nào khác thì chưa biết).

Khi các cán bộ văn hóa dừng chân tại Hồ Con Rùa ngay sau biến cố 30-4-1975. Tất nhiên là họ đã phải thấy tượng con rùa đội bia này và theo PTV thì đây chính là lý do mà phải có vụ nổ cho banh con Rùa Đội Bia rồi nhân đó mà thành lý do để tó các văn, thi sĩ miền Nam VNCH vào cũi luôn. Từng rêu rao (ở ngoài miền Bắc và trong các vùng xôi đậu do họ chiếm đóng) là chính quyền miền Nam VNCH bị cả thế giới loài người lên án, bị cô lập trên chính trường quốc tế vì độc ác, phi nhân, không có chính nghĩa... mà nay, sao lại có tấm bia ghi ơn tới 44 quốc gia viện trợ (cùng giao hảo vì có viện trợ là đã có mối giao hảo rồi) cho chính thể này? Sự thật này, sẽ không thể để tồn tại được (vì những người không biết sẽ biết khi có lúc nào họ đó ghé chân đến đây), nhưng cũng không thể tay quai búa, xà beng... để phá bỏ công khai. Thôi thì chỉ có một quả mìn là tiện nhất. Vả lại, cái tên Hồ Con Rùa chỉ nên để riêng cho có một cái hồ có rùa ngoài Hà Nội thôi (tức hồ Gươm, hồ Hoàn Kiếm, hồ Con Rùa), hiển hiện trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không thể có hai Hồ Con Rùa được.

Phạm Thắng Vũ.
March 2, 2013. 
 
 
 
http://maivantran.files.wordpress.com/2011/09/ho-con-rua-xc6b0a.jpg?w=417&h=257
Figure 67 Hồ Con Rùa thời Pháp thuộc đầu thế kỷ 20
http://maivantran.files.wordpress.com/2011/09/ho-con-rua-1968-bw.jpg?w=358&h=494
Figure 68 Hồ Con Rùa 1968
http://maivantran.files.wordpress.com/2011/09/hc3b4-con-rua-ngc3a0y-nay-coutesy-atoanmt.jpg?w=387&h=269
Figure 69 Hồ con Rùa 2010
 
 
 Hồ con Rùa nhìn từ vệ tinh
 
 Hình này hổng biết xưa hay nay (?)
http://www.nucuoiviet.org/wp-content/uploads/2012/02/sg22.jpg
 
 
 http://farm7.static.flickr.com/6046/5904515902_9e0e0af6d5_b.jpg
 http://farm7.staticflickr.com/6133/6010404493_6e7f92cc27_b.jpg
 dưới chân tháp tượng đài Đệ Nhất thế CHiến .....bây giờ là hồ con rùa
 
 
 

1 nhận xét:

Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm


Những bài đăng trong tầng lầu này